Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ rất dễ có hứng thú với lao động. Những việc đơn giản như thu dọn đồ chơi, kê bàn ghế, gấp khăn mặt, tưới cây...được trẻ rất hào hứng. Cho trẻ lao động chính là một cách truyền cảm hứng để trẻ biết yêu lao động và trân quý người lao động. Qua hoạt động lao động tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và thích ứng với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống.
Luôn tạo cơ hội để trẻ thực hiện những công việc vừa sức đối với trẻ, khi trẻ ở trường mầm non, các cô giáo tạo cơ hội cho trẻ làm quen với lao động từ những việc đơn giản từ những hoạt động cá nhân hay tính lao động tập thể để trẻ có thói quen biết lao động.
Việc tổ chức cho trẻ trực tiếp tham gia các hình thức lao động phù hợp với sức khoẻ và tâm lí lứa tuổi có ý nghĩa giáo dục thực sự, trẻ mới cảm thấy lao động là khó khăn và sự cần thiết phải lao động, phải có sự nỗ lực hoàn thành công việc được giao. Cần hình thành cho trẻ niềm tin vào sức mình, niềm vui đối với kết quả lao động, động viên mọi ý định thể hiện tính độc lập của trẻ.
Nên tạo cho trẻ niềm thích thú, say mê khi lao động. Trẻ sẽ cảm thấy hào hứng khi công việc có phần đóng góp tích cực của bản thân và có trách nhiệm hơn với phần việc đó. Đây sẽ là động lực góp phần hình thành nhân cách con người ở trẻ, tạo nên những phẩm chất tốt đẹp như: Tính kiên trì, biết quý trọng thành quả lao động, biết thông cảm với những người lao động. Lao động mang đến niềm vui cho trẻ. Từ đó hình thành lòng yêu lao động.
Qua hoạt động lao động, giáo dục trẻ giá trị của lao động giúp trẻ có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Dạy cho trẻ biết lao động, biết yêu thương, chúng sẽ học được cách làm chủ cuộc đời với đôi bàn tay của chính mình, chúng sẽ nhận ra rằng nỗ lực của chúng chính là sự cống hiến cho những điều còn lớn lao hơn thế trong tương lai.