Bàn tay là một trong những con đường phổ biến nhất để vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác. Bàn tay tiếp xúc với rất nhiều các vật dụng hàng ngày. Có hàng nghìn vi khuẩn trên các bề mặt con người tiếp xúc mà mắt thường không nhìn thấy được. Khi tiếp xúc vi khuẩn sẽ bám dính trên bàn tay đặc biệt là ở lòng bàn tay, kẽ tay, móng tay... Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh. Những hành vi quen thuộc của nhiều người như đưa tay dụi mắt, miệng, cầm nắm đồ vật bẩn nhưng không rửa tay sạch... đã vô tình làm “cầu nối” giúp những vị khách không mời dễ dàng vào cơ thể, gây nhiều bệnh nguy hiểm.
Công tác giáo dục vệ sinh cá nhân trẻ trong độ tuổi mầm non là việc làm thiết thực nhằm giúp trẻ có nề nếp thói quen vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, phòng tránh dịch bệnh, tăng cường sức khỏe, hình thành những kỹ năng sống cơ bản cho trẻ. Một trong những cách phòng tránh dịch bệnh đơn giản, ít tốn kém là tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt và rửa tay với xà phòng là phương pháp hiệu quả nhất.
Ở trường mầm non việc rửa tay với xà phòng là một trong những hoạt động thường xuyên, liên tục hàng ngày của trẻ. Trẻ rửa tay xà phòng sau khi tiếp xúc với vật bẩn, sau giờ hoạt động ngoài trời, sau khi đi vệ sinh và đặc biệt trước giờ ăn.
Tạo thói quen giữ sạch đôi tay cho mình và cho trẻ rất có lợi cho sức khỏe. Thói quen này nên tập cho trẻ càng sớm càng tốt, khi trẻ bắt đầu có ý thức về vệ sinh cá nhân để tạo dần cho trẻ thói quen tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình nhất là trong thời kỳ dịch bệnh đang hoành hành như hiện nay.